Rau củ quả là nhóm thực phẩm nên bổ sung cho trẻ từ sớm. Lượng chất xơ và prebiotic dồi dào có trong rau củ là điều kiện cần thiết để trẻ có đường ruột khỏe mạnh, tăng cường hấp thu dinh dưỡng và đào thải độc chất. Tuy nhiên, việc rèn cho trẻ thói quen ăn rau thực sự là vấn đề nan giải của nhiều bà mẹ. Nếu bạn đang có cùng nỗi lo lắng về vấn đề này, thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây để bỏ túi ngay những bí kíp hữu ích nhé.
Xem thêm: Hướng dẫn mẹ cách nêm gia vị cho món ăn dành cho bé
Lý giải về chứng lười ăn rau ở trẻ
Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chính cho việc trẻ không thích ăn rau xuất phát từ sự nhạy cảm trong núm vị giác của trẻ. Trẻ nhỏ từ khi sinh ra có khoảng 10.000 núm vị giác. Những núm vị giác này sẽ dần mất đi và sản sinh theo thời gian. Nhưng càng lớn tuổi thì việc thay thế núm vị giác mới sẽ càng khó khăn. Do đó, trẻ em có vị giác nhạy bén hơn nhiều so với người lớn.
Bên cạnh đó, những món ăn có màu sắc bắt mắt, hương vị thơm ngon, hấp dẫn thu hút trẻ hơn. Đó là lý do phần lớn trẻ em đều thích ăn đồ ngọt, đồ chiên rán, nước ngọt có ga hay các món ăn có hương vị đậm đà được chế biến từ thịt, cá, hải sản,… Nhưng nếu không bổ sung dưỡng chất từ rau củ, việc ăn nhiều những thực phẩm giàu protein, chất béo,… lâu dần sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ, dẫn đến chứng khó tiêu, thừa cân, béo phì. Do đó, tập cho trẻ ăn rau từ sớm sẽ giúp con có một sức khỏe tốt hơn.
Trẻ thực sự không thích ăn rau hay do bạn chưa dùng đúng cách?
Nhưng làm thế nào để trẻ siêng ăn rau hơn? Nếu những cách thức mà bạn và gia đình đang áp dụng chưa thực sự có hiệu quả, vậy thì hãy thử ngay những cách dưới đây để việc cho bé ăn rau không còn là cuộc chiến nhé.
Cho bé làm quen với rau củ
Trước hết, bạn nên cho con làm quen với rau củ và những lợi ích khi ăn rau. Từ việc đọc sách, kể chuyện, chơi trò chơi đến việc cho bé cùng đi chợ để học cách nhận biết, phân biệt từng loại rau củ, cho bé chọn thực đơn hằng ngày,… là những cách thức đơn giản mà gia đình nào cũng có thể áp dụng. Những việc này duy trì trong thời gian dài giúp bé có nhận thức tốt hơn về rau củ và lợi ích của chúng.
Kích thích sự tò mò cho trẻ qua những những món ăn từ rau củ
Mỗi ngày, bạn hãy nấu các món ăn từ những loại rau củ quen thuộc, có vị dễ ăn với các cách chế biến đơn giản để thử khẩu vị của bé. Để con hào hứng hơn thì bố mẹ nên ăn trước và kích thích sự tò mò của trẻ thông qua trò chơi đoán tên rau củ. Cách này có thể dùng thường xuyên, sử dụng nhiều cách chế biến, nấu rau củ với nhiều món ăn khác như trứng, thịt,.. để tăng độ khó cho trò chơi và khiến bé luôn cảm thấy tò mò, thích thú.
Chế biến rau củ thành những món ăn bé thích
Sử dụng rau củ làm nguyên liệu để chế biến thành những món ăn bé thích như món thịt băm, trứng, nem rán, nước ép trái cây, bánh nướng,… cũng là một ý tưởng không tồi. Bạn cũng nên chú ý giữ hương vị nguyên bản của món ăn, sơ chế rau một cách hợp lý như thái sợi hay băm nhỏ để bé không nhận ra vị rau củ.
Sử dụng gia vị làm bớt hương vị từ rau củ
Một lưu ý khi chế biến món ăn cho trẻ không thích ăn rau, đó là việc gia giảm lượng gia vị hợp lý để kích thích vị giác và bớt vị rau củ. Gia vị thảo mộc nên được ưu tiên hơn, vì chúng không chứa chất bảo quản lại bổ sung được nhiều dưỡng chất tốt cho sự phát triển của bé. Các loại gia vị như bột tỏi, bột quế, vani, rau mùi, hạt tiêu đen,… có thể sử dụng cho các món cháo, súp, khoai tây nghiền, nước sinh tố,… cho trẻ. Khi sử dụng gia vị, bố mẹ nên quan sát phản ứng của con và điều chỉnh gia vị cho phù hợp khi bé lớn hơn.
Trang trí món ăn đẹp mắt, hấp dẫn
Những món ăn vừa thơm ngon, bổ dưỡng lại bắt mắt chắc chắn sẽ khiến bé hứng thú hơn trong mỗi bữa cơm. Có rất nhiều gợi ý về tạo hình đẹp cho món ăn. Có thể bắt nguồn từ nhân vật hoạt hình bé yêu thích hoặc đơn giản là những hình ngôi sao, mặt trời, hoa lá,… được trình bày một cách sáng tạo, nhiều màu sắc là đủ để tạo sự hứng thú và giúp bé ăn ngon hơn.
Cha mẹ cần làm gương cho con
Con cái là hình ảnh phản chiếu của cha mẹ. Do vậy, muốn con chăm ăn rau hơn thì bố mẹ là những người cần làm điều đó trước tiên. Hãy để rau luôn là món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa cơm gia đình, cho bé thấy rằng ăn rau rất ngon và tốt cho sức khỏe.
Điều quan trọng nhất là dù bé có phản ứng ra sao, thì bố mẹ cũng cần kiên trì, nhẫn nại và cùng đồng hành trong mỗi giai đoạn phát triển của con.