Gia vị được thêm vào những món ăn của trẻ để tạo hương vị thơm ngon cũng như cung cấp các dưỡng chất cần thiết để bé phát triển khỏe mạnh. Vậy nên, bậc phụ huynh hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để giúp cho bữa ăn của con được khoa học, vừa thơm ngon hấp dẫn lại an toàn và đầy đủ dinh dưỡng.
Hiểu đúng về vị giác của trẻ
Nhiều bậc phụ huynh không biết được rằng vị giác của người lớn và con trẻ (dưới 3 tuổi) là khác nhau. Trẻ có vị giác nhạy cảm hơn rất nhiều so với người lớn, ví dụ ở trẻ em có khoảng 10000 chồi vị giác thì người lớn chỉ có 5000 chồi vị giác. Vậy nên cảm giác vị mặn vừa đủ của cha mẹ sẽ là cảm giác rất mặn của các con. Do đó, việc dùng lưỡi của mẹ thử vị cho món ăn của con là không chính xác.
Việc dùng gia vị không đúng lượng có thể khiến con trẻ gặp các tình trạng như rối loạn vị giác, biếng ăn, khó ngủ, chậm lớn thậm chí là gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là với trẻ dưới 1 tuổi. Như khi trẻ ăn thừa lượng muối, phần thân non nớt của con sẽ phải làm việc “cật lực”, về lâu dài sẽ dẫn đến các bệnh như cao huyết áp, tổn hại thận,…
Đọc thêm: Mách bạn 10 loại gia vị thay thế hoàn hảo cho muối
Nêm gia vị cho trẻ theo đúng độ tuổi
Đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi: Không nên nêm bất kỳ gia vị nào vào đồ ăn của con. Mặc dù từ 6 tháng tuổi, bé đã bắt đầu tập ăn dặm nhưng mẹ chỉ cần chế biến và giữ nguyên hương vị tự nhiên của món ăn. Trong thịt, cá, và rau củ đã có sẵn các vị phù hợp với cơ thể của trẻ.
Đối với trẻ trên 12 tháng tuổi: Có thể bắt đầu nêm gia vị vào món ăn của trẻ. Tuy nhiên mẹ cần nêm đúng định lượng, đúng loại gia vị và theo các khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng để không ảnh hưởng đến sức khỏe của con.
Những lưu ý khi nêm gia vị vào thức ăn của trẻ
- Hạn chế cho muối vào bột ăn dặm hoặc cháo của trẻ để kích thích vị giác. Có thể thay thế muối bằng phô mai vì trong phô mai cũng có lượng muối nhất định lại tốt cho sự phát triển của trẻ.
- Khi cho trẻ ăn dặm hoặc cháo, nên cho con ăn cả phần cái và phần nước thì mới đủ dinh dưỡng. Cũng không nên dùng nước hầm xương để nấu cháo vì trong nước hầm chứa nhiều chất béo dễ khiến trẻ khó tiêu.
- Không thêm gia vị hay chất tạo mùi vị vào sữa mẹ hoặc sữa công thức cho bé.
- Khi cho con thử ăn những gia vị mới, mẹ nên theo dõi để xem phản ứng của con và chỉ nên cho gia vị với lượng ít, sau đó từ từ tăng dần để con tập làm quen.
- Khẩu vị của trẻ thay đổi khi lớn dần, vì vậy cha mẹ nhớ điều chỉnh cách nêm nếm cho phù hợp với lứa tuổi của con.
Mẹo kết hợp gia vị khi nấu ăn cho trẻ
1. Đối với trái cây
- Nước táo: Thêm chút quế, va ni.
- Nước lê: Sử dụng với gừng, quế hoặc vani.
- Sữa: Có thể dùng chung với bột quế.
- Các món chuối: Có thể kết hợp với quế, gừng.
2. Đối với rau củ
- Khoai lang: kết hợp với quế.
- Bí ngô: thường sử dụng các gia vị như bột quế, bột gừng hay vani.
- Cà rốt: có thể dùng chung với bột tỏi, húng quế.
- Các món cháo hoặc súp: thường kết hợp với bột tỏi.
- Các món khoai tây nghiền: sử dụng các gia vị như bột tỏi, thì là.
3. Đối với thịt
- Các món cháo, súp từ thịt gà: có thể thêm các gia vị như rau mùi, bột tỏi, húng quế, vỏ chanh, bột tiêu đen.
- Các món ăn từ thịt bò: thường kết hợp với tỏi, vỏ cam, hạt tiêu, hành tây.
Những gia vị như vani, tiêu, tỏi, húng quế, thì là, quế, gừng, vỏ chanh được xem là các gia vị “lành tính” có thể dễ dàng kết hợp trong nhiều món ăn của trẻ. Việc thêm gia vị và thảo mộc vào món ăn của bé không những kích thích con ăn ngon miệng mà còn hạn chế được tình trạng biếng ăn khi lớn.
Hy vọng với những kiến thức mà chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn trở thành một người mẹ đảm, một bà nội trợ thông thái!
Xem thêm: 5 loại gia vị tự nhiên tăng sức đề kháng cho mùa dịch