Đau dạ dày là vấn đề thường gặp về đường tiêu hóa, không chỉ cản trở việc hấp thụ chất dinh dưỡng mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời. Do đó, việc phát hiện sớm và có sự điều chỉnh hợp lý, khoa học về chế độ ăn uống sẽ giúp bạn tránh được những hệ quả khó lường của tình trạng này.
Một số nguyên nhân phổ biến khiến bạn bị đau dạ dày
Ăn uống không đúng giờ, thường xuyên bỏ bữa
Dạ dày có “thời gian biểu” rất chặt chẽ. Vào một thời điểm cố định trong ngày, dạ dày tiết ra các enzym tiêu hóa, axit dạ dày,… Vì thế, nếu không ăn uống đúng giờ hay bỏ bữa thì không có thức ăn để trung hòa các axit và enzym đó. Tình trạng này diễn ra lâu ngày gây tổn thương đến niêm mạc dạ dày, là nguyên nhân dẫn đến các bệnh viêm loét dạ dày, viêm dạ dày mãn tính,…
Ăn nhanh nuốt vội
Đây là thói quen mà nhiều người mắc phải, vì muốn tranh thủ thời gian nghỉ ngơi hay làm việc khác. Song điều này khiến thức ăn không được tiêu hóa kỹ ở khoang miệng, buộc dạ dày phải làm việc nhiều hơn để tiêu hóa tiếp thức ăn, làm mỏi cơ bắp dạ dày và giảm nhu động dạ dày, gây tổn hại trực tiếp đến niêm mạc dạ dày.
Sử dụng nhiều rượu bia
Rượu bia là tác nhân thúc đẩy sự kích thích axit của dạ dày, khiến lượng axit cao quá mức quy định làm tổn thương niêm mạc. Thói quen này gây ra các cơn đau quặn, kèm chứng khó tiêu đầy hơi, có thể dẫn đến viêm dạ dày cấp tính.
Hút thuốc lá
Hút thuốc lá không chỉ gây hại cho hô hấp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến dạ dày. Nicotin trong thuốc lá làm kích thích co thắt mạch máu, giảm sự cung cấp máu cho niêm mạc dạ dày, thúc đẩy sự bài tiết acid và pepsin trực tiếp ăn mòn dạ dày.
Căng thẳng thần kinh kéo dài
Tình trạng stress kéo dài liên tục gây tác động tiêu cực đến chức năng bài tiết, vận động và tiêu hóa ở dạ dày. Do đó, người mắc chứng rối loạn lo âu hay bị tổn thương tinh thần lâu ngày cũng có nhiều nguy cơ mắc chứng đau dạ dày.
Các nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân nói trên, chứng đau dạ dày còn có thể do: việc lạm dụng thuốc kháng sinh giảm đau, nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori), cơ thể nhiễm lạnh do tắm đêm, hội chứng ruột kích thích,…
Nguyên tắc ăn uống khi mắc bệnh dạ dày
Việc lựa chọn thực phẩm, món ăn phù hợp có thể coi là nhân tố quan trọng trong việc điều trị hiệu quả chứng đau dạ dày nói riêng và bệnh dạ dày nói chung.
Những thực phẩm nên ăn
-
Gừng
Gừng được coi là phương thuốc đơn giản để điều trị tình trạng đau dạ dày, đầy hơi, khó tiêu. Trong gừng có các chất tacpen, oleoresin có tác dụng sát trùng, kháng viêm, giảm đau hiệu quả. Gừng có thể sử dụng trực tiếp bằng lát gừng tươi, trà gừng hay dùng bột gừng để thêm vào món ăn,…
-
Mật ong
Mật ong chứa nhiều dưỡng chất có tác dụng kháng khuẩn, điều hòa nồng độ acid trong dạ dày và tránh tình trạng kích ứng.
-
Quế
Quế có tác dụng tốt khi trị chứng khó tiêu, đầy hơi của người đau dạ dày. Người bệnh có thể sử dụng bột quế trong chế biến món ăn hay làm bánh. Không những có thể trị bệnh, gia vị này còn kích thích vị giác, giúp người bệnh ăn ngon hơn.
-
Nước ép từ rau củ, sinh tố hoa quả
Các loại nước ép từ rau, củ như bắp cải, giá đỗ, cà rốt, củ đậu, dưa hấu và sinh tố từ trái cây tươi như đu đủ, xoài, bơ rất giàu vitamin, khoáng chất cũng có tác dụng tốt trong việc làm lành vết loét.
-
Các món cháo, súp
Thức ăn loãng nói chung tốt cho người đau dạ dày, tránh việc dạ dày co bóp quá nhiều để tiêu hóa thức ăn gây ra những cơn đau nhức. Người bệnh có thể dùng các món cháo, súp thịt gà, sườn, tôm,… cùng với bột hạt mùi để món ăn thêm hương vị và ngon miệng hơn.
-
Tỏi và cải xanh
Tỏi và cải xanh đều có tác dụng kháng khuẩn, tránh nhiễm trùng vi khuẩn H. pylori trong dạ dày cũng như giàu chất chống oxy hóa. Ngoài ra, cải xanh giàu chất xơ cùng với tỏi hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa của người bệnh. Bột tỏi cũng là loại gia vị thường được sử dụng khi nấu ăn, vừa tiện lợi vừa kích thích người bệnh ăn ngon hơn.
Những thực phẩm cần tránh
- Thực phẩm chứa cồn và chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá, caffeine,….
- Thực phẩm nguội và thức ăn chế biến sẵn như rau sống, giăm bông, xúc xích, lạp sườn, các loại snack,…
- Thực phẩm có độ axit cao dễ sinh hơi trong dạ dày: cà chua, dưa chua, giấm, mẻ, tương ớt hoặc các loại trái cây có vị chua như cam, xoài xanh, bưởi chua,…
- Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, gia vị như đồ chiên, rán hay có vị cay, gây khó khăn cho quá trình tiêu hóa của dạ dày.
Ngoài việc thực hiện một chế độ dinh dưỡng phù hợp, người đau dạ dày nên duy trì một lối sống lành mạnh, ăn ngủ điều độ và làm việc có giờ giấc khoa học để có tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, lo âu,…
Xem thêm: Các loại gia vị phổ biến và lợi ích của chúng với sức khỏe