Ăn mặn từ lâu đã là thói quen của nhiều người, khi lượng muối tiêu thụ vượt quá 5 gram/ ngày theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Trên thực tế, ít có ai quan tâm đến điều này hoặc do thói quen khó bỏ. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm. Những gợi ý về việc thay đổi thói quen ăn mặn dưới đây sẽ giúp bạn xây dựng một lối sống lành mạnh để có sức khỏe tốt hơn.
Xem thêm: Bí quyết nêm gia vị đúng chuẩn không phải ai cùng biết
Những tác hại khó lường từ thói quen ăn mặn
Tăng huyết áp
Tăng huyết áp là bệnh lý khá phổ biến, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ. Ngoài yếu tố di truyền, ăn mặn thường xuyên cũng có tác động không nhỏ làm gia tăng nguy cơ tăng huyết áp. Cụ thể, việc ăn nhiều hơn 5 gram muối một ngày sẽ làm tăng tính thẩm thấu của tế bào với natri. Từ đó dẫn đến việc trữ nước trong tế bào, tạo áp lực lên thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi dẫn đến tăng huyết áp.
Tăng nguy cơ mắc bệnh về tim
Việc ăn mặn thường xuyên khiến chúng ta nạp một lượng nước lớn vào cơ thể. Điều này làm tăng tuần hoàn máu khiến tim phải làm việc nhiều hơn, tâm thất trái to lên và lâu dần dẫn đến hiện tượng suy tim. Đây được xem là bệnh lý nguy hiểm vì có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và không thể chữa trị dứt điểm hoàn toàn.
Suy giảm chức năng của thận
Thận có vai trò quan trọng trong việc lọc máu và chất thải. Việc ăn mặn thường xuyên khiến cơ thể tích trữ nhiều nước, tuần hoàn máu tăng dẫn đến cầu thận tăng, buộc thận phải làm việc với cường độ cao. Điều này kéo dài sẽ làm suy yếu chức năng của thận. Ngoài ra, muối cũng là nguyên nhân gây ra bệnh sỏi thận, thận nhiễm mỡ,…
Các bệnh về dạ dày
Nếu cơ thể hấp thụ nhiều muối trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm về dạ dày. Đó là viêm loét dạ dày tá tràng hay thậm chí là ung thư dạ dày, do lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày bị phá hủy và sự phát triển mạnh của vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) khi vi khuẩn này tương tác nhiều với muối.
Gợi ý về một vài thay đổi nhỏ nhưng “có võ” để có một sức khỏe tốt hơn
Trước nguy cơ về các căn bệnh nguy hiểm có thể mắc phải khi ăn mặn, cùng tham khảo và thực hành theo lời khuyên được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị dưới đây để thay đổi thói quen này nhé.
1. Ưu tiên sử dụng và chế biến thực phẩm tươi sống, thay vì đồ đóng hộp hay chế biến sẵn
Đồ đóng hộp hay đồ ăn nhanh như cá hộp, thịt hộp, thịt xông khói, xúc xích, snack, mì ăn liền,… thường chứa nhiều muối để bảo quản được lâu. Nếu vẫn muốn sử dụng những loại thực phẩm này, bạn nên xem xét kỹ về hàm lượng muối trong thành phần của sản phẩm.
Thay vì ăn ngoài hàng quán, mua thực phẩm tươi về nhà chế biến được khuyến khích hơn cả. Bởi lẽ, khi nấu ăn ta có thể kiểm soát được lượng dầu mỡ cũng như lượng muối nạp vào cơ thể mỗi ngày. Còn đối với món ăn ở ngoài hàng, người bán sẽ nêm nếm nhiều gia vị hơn để món ăn có màu sắc bắt mắt và hương vị đậm đà. Việc thường xuyên ăn ngoài như vậy gây ra nhiều tác hại không tốt cho sức khỏe.
2. Chọn cách chế biến đơn giản, ít gia vị để giữ được nhiều dưỡng chất từ món ăn
Khi nấu ăn tại nhà, bạn nên ưu tiên các món hấp, luộc thay vì chiên, xào, rim, kho,… để giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hằng ngày. Với các món ăn cần nêm nếm gia vị ( muối, đường,…), hãy đảm bảo một lượng vừa đủ, không cho quá nhiều. Việc thay đổi khẩu vị cũng cần thời gian. Do đó, nên giảm lượng muối ăn một cách từ từ để vị giác dần thích nghi.
3. Sử dụng gia vị khác thay cho muối
Thực tế, có nhiều loại gia vị có thể thay thế cho muối khi chế biến món ăn như: bột tỏi, chanh, bột tiêu đen, hành khô, bột gừng, bột hạt mùi,… Những gia vị này vừa làm tăng hương vị cho món ăn, vừa bổ sung thêm nhiều dưỡng chất có lợi cho cơ thể.
Xem thêm: Mách bạn 10 loại gia vị thay thế hoàn hảo cho muối
4. Thay đổi thói quen dùng nước chấm, gia vị chấm
Một trong những thói quen của nhiều người là sử dụng nước mắm hoặc gia vị chấm (nước tương, bột canh, muối tiêu,..) khi dùng cơm. Với một số món ăn đã nêm gia vị như giò, chả, xúc xích,.. thì điều này là không cần thiết. Thói quen tưởng vô hại này lại gia tăng thêm lượng muối mà chúng ta nạp vào cơ thể.
Với các món luộc hay hấp, ta có thể pha loãng bát nước chấm, gia giảm thêm một vài gia vị khác như tỏi, tiêu, chanh, đường,… để giảm độ mặn và kích thích vị giác hơn khi ăn.
Nếu bạn vẫn muốn dùng đồ ăn với gia vị mặn, thì nên chấm nhẹ tay thay vì lật qua lật lại miếng thịt, rau để thấm đẫm nước chấm.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Hy vọng là những gợi ý trên đây sẽ giúp bạn bắt đầu những thói quen tốt và duy trì một lối sống lành mạnh.