Thảo quả
Thảo quả có vị ngọt cay nồng, phảng phất hương chanh và bạc hà. Loại quả đặc biệt này dùng để bổ sung hương vị cho cả món mặn và ngọt.
Thảo quả làm gia vị
Thảo quả có mùi thơm, vị cay ngọt, được coi là “nữ hoàng” của các loại gia vị. Có hai loại chính là thảo quả đen và thảo quả xanh (còn được gọi là bạch đậu khấu). Bạch đậu khấu là gia vị được tìm thấy trong ẩm thực Bắc Âu và Trung Đông, trong khi các công thức nấu ăn ở Ấn Độ và châu Á thường chỉ dùng thảo quả đen. Hai loại này đều được sử dụng làm gia vị dưới dạng nguyên hạt hoặc xay nhuyễn thành bột thảo quả. Vào thời cổ đại, người Ai Cập nhai vỏ hạt để giúp trắng răng thơm miệng, còn người Hy Lạp và La Mã thì sử dụng chúng làm nước hoa.
Sử dụng
Hương vị đặc biệt của thảo quả dùng để bổ sung cho cả món ăn ngọt và mặn. Tại Ấn Độ người ta sử dụng thảo quả trong các món cà ri, món thịt cũng như trong đồ uống, chẳng hạn như cà phê và trà. Một trong những quốc gia tiêu thụ thảo quả nhiều nhất là Thụy Điển, họ sử dụng chúng làm gia vị cho món tráng miệng, bánh nướng, các loại bánh mì kẹp. Trong chế biến loại quả này thường được kết hợp với các gia vị quế, hoa hồi, hạt mùi, đinh hương để tạo nên hỗn hợp hoàn hảo. Trước khi thêm vào món ăn, thảo quả được đập nhẹ để lộ hạt, nướng hoặc chiên trong một ít dầu để nó tiết ra đầy đủ hương vị.
Giới thiệu Cây thảo quả
Thảo quả có xuất xứ từ Ấn Độ và được du nhập vào châu Âu trong thời kỳ Phục Hưng. Ở Việt Nam, thảo quả được trồng nhiều ở khu vực Tây Bắc như Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang với diện tích ước tính khoảng 22.000ha. Đây là loại thảo mộc thực vật thuộc họ Gừng, thường mọc hoang hoặc được trồng tại các vùng núi cao hơn 1000m, dưới những tán cây to, đất ẩm nhiều mùn. Người ta thu hoạch thảo quả vào những ngày mùa đông, sau đó đem về phơi hoặc sấy khô. Với đặc tính vừa thơm vừa ngọt lại có chút cay nồng, thảo quả được sử dụng để chưng cất tinh dầu, làm gia vị và hương liệu trong chế biến.